Thursday, August 29, 2013

NGHÌN Ô CỬA



“B À À À à à à...” 

Tiếng thằng cháu gọi bà như gào lên với đầy vẻ trịch thượng pha lẫn thích thú. Tiếng gọi thật lớn, vang qua hàng dậu, và chỉ ngay một thoáng sau đó, tiếng mẹ tôi từ trong nhà vọng vội ra:

“Thằng Ni đó hả... Bà đây...”

Rồi cánh cửa xịch mở, mẹ tôi với nét mặt mừng rỡ, lăng xăng ra đón thằng cháu nội yêu quí của bà. Ngày nào cũng như ngày nấy, mẩu đối thoại giữa hai bà cháu không mấy thay đổi và âm điệu gào to chỉ tăng giảm đôi chút tùy theo sự vòi vĩnh hay thích thú nơi thằng cháu nội. Lỉnh kỉnh với mấy cái túi xách, nào là đồ chơi, mấy cuốn tập tô màu, cung kiếm... nó vừa hiên ngang, vừa khệ nệ bước vào nhà. Mẹ tôi chúm chím mỉm cười nhìn theo, tôi đọc được trong nụ cười và sau ánh mắt âu yếm ấy, niềm vui sướng khôn tả và sự mãn nguyện của mẹ tôi. Đây sẽ là giang sơn cho thằng cháu tha hồ làm vua, và bày bừa đồ đạc khắp nhà để ông bà mệt đuổi theo trong suốt một ngày. Còn phần tôi những lúc ấy, thường chỉ kịp trao đổi vội vàng ít câu thăm hỏi và dặn dò như thường lệ với mẹ tôi rồi vội vã lên đường.

Chỉ những hôm cuối tuần đưa cháu sang thăm ông bà, tôi mới có dịp thư thả ngồi lâu hơn hàn huyên với Bố Mẹ tôi. Hoặc thỉnh thoảng vì có công việc bận phải gửi cháu thêm cuối tuần, thì mỗi khi sang đến nơi, bao giờ Bố tôi cũng cố giữ nán lại:

“Có ấm trà Bố vừa mới pha đấy, hãy ngồi uống với Bố vài chén đã!”.

Tuy nói vậy, nhưng mỗi khi thấy tôi đã chịu ngồi xuống, Bố tôi bao giờ cũng đứng dậy đi vào bếp, lích kích bật bếp, đun thêm ít nước sôi để sửa soạn cho một tuần trà mới. Bộ ấm chén nhỏ xíu bằng đất, màu gan gà, được Bố tôi lau lại và đặt ngay ngắn trong khay trà. Có nhiều lần tôi đã muốn phụ giúp Bố tôi, dành lấy công việc pha trà ấy, nhưng hình như Bố tôi cho rằng trong nhà này, chỉ mỗi Bố tôi mới là người  biết pha trà, và ấm trà kia như thế mới ngon và thêm thi vị. Mà thật đúng như vậy, hương vị của những chén trà do Bố tôi tự tay pha chế, sao ngon lạ lùng đến thế. Tôi vẫn để ý từng động tác và thuộc lòng từng cử chỉ quen thuộc ấy, nhưng rồi sau này chính tôi hình như cũng bị lây cái thói quen thích ngồi yên, không còn muốn dành lấy công việc pha trà ấy nữa. Đối với Bố tôi, uống trà không chỉ là để thưởng thức vị thơm ngát của mỗi chén trà, mà những công việc xung quanh chén trà ấy như được thể hiện một phong cách tiêu dao. Những lúc ấy tôi có cảm tưởng mình không còn là một người con về thăm gia đình nữa, mà đang là một khách quí được mời đến để cùng thưởng thức uống trà. Dần dà tôi đã trở thành một người khách đối ẩm sành điệu của Bố tôi không biết từ lúc nào.

Thời còn ở trung học, tôi thích đọc truyện của Nguyễn Tuân, nhất là cuốn Vang Bóng Một Thời. Trong đó có truyện ngắn Những Chiếc Ấm Đất tả về cái thú uống trà. Nên bây giờ mỗi khi ngồi uống trà với Bố tôi, hình ảnh ông cụ Sáu và sư cụ chùa Đồi Mai thỉnh thoảng lại lãng đãng hiện về trong trí óc. Thú uống trà của người xưa, tưởng như rất đơn giản nhưng không ngờ lại quá nên thơ và cầu kỳ đến như vậy. Tôi cảm thấy mình may mắn, tuy sống giữa một thời đại tân tiến, quá máy móc và nhiều những nhu cầu vật chất trên xứ Mỹ này, mà những lúc trở về gia đình vẫn còn được sống trong một khung cảnh ấm cúng, còn đượm nét nho phong. Có lẽ đã từ lâu lắm, trong những dịp hai Bố con chuyện trò chung quanh từng chén trà trong sương sớm ấy, không biết vô tình hay hữu ý, bao nét đẹp Đường Thi và điển tích văn chương kim cổ, đã được truyền đạt và thấm đượm vào tâm hồn tôi không biết tự bao giờ.

Khi sang đến Mỹ, tuổi tác Bố Mẹ tôi đã khá cao. Không gian tuy có phải đổi dời, mặc dầu bên cạnh nỗi buồn nhớ quê hương, thương con nhớ cháu còn lại bên nhà, thì hình như đằng sau cánh cửa ấy, nếp sống cũ từ xa xưa và không khí nho phong của Bố Mẹ tôi không mấy hề thay đổi. Cuộc sống mới nơi xứ người dù có xa lạ, vội vã và ngôn ngữ dù có khác biệt, nhưng hình như những điều ấy không mấy ảnh hưởng đến tập quán trong gia đình. Đằng sau cánh cửa ấy, mùi trầm hương và nồi bánh chưng vẫn thơm ngào ngạt vào những hôm giỗ Tết. Đặc biệt mỗi khi trong nhà có các bạn thơ từ phương xa đến thăm, tiếng đàn thập lục của Bố tôi lại được dịp ngân lên đôi cung điệu tao đàn, như trang điểm thêm vào những vần thơ xướng họa, làm thôi thúc con chim họa mi trong lồng treo ngoài hiên ríu rít hót vang.

Đằng sau cánh cửa ấy vẫn là nếp sống thanh bạch thường ngày, và không biết vì đâu, bạn bè của Bố Mẹ tôi sau này đã đặt tên nơi ấy là Song Hạc Đình. Bố tôi thuộc vào thế hệ Tây học ngày trước, nên Hán văn cũng còn rất giỏi.  Trong phòng khách ngoài những bức họa đề thơ treo trên tường, là một tấm trướng dài, trên đó Bố tôi viết một câu chữ Hán theo lối đại tự: 不出戶, 知天下: Bất Xuất Hộ, Tri Thiên Hạ. Ý nghĩa của câu nói đó là: “Không ra khỏi cửa mà biết được việc thiên hạ”. Giản dị chỉ có vậy mà phải đợi mãi đến những năm về sau này, khi tôi bắt đầu có dịp đọc đến cuốn Đạo Đức Kinh, tình cờ mới khám phá đó là một câu nói của Lão Tử. Cả túi khôn trong thiên hạ, tóm gọn trong năm ngàn lời, gồm những qui luật bất biến, diệu dụng của tạo hóa hay kinh nghiệm tâm lý nhân sinh, ngàn đời vẫn không hề thay đổi. Lúc ấy tôi như chợt khám phá ra cả một khung trời Đông phương huyền diệu mà bao la và mới lạ, rất thường hằng như thiên nhiên kia, đến mùa thu thì lá phải vàng, nhan sắc nào tồn tại mãi được với thời gian? Hòn đá kia dù có được đẽo gọt công phu đến mấy khi quăng xuống nước cũng phải chìm. Khúc gỗ này tuy thô sơ mộc mạc nhưng vẫn nổi trơ gan qua bao ghềnh thác? Bởi vậy khi đã quán triệt được những qui luật diệu dụng ấy, thì không cần bước ra khỏi cửa, không cần phải đến tận nơi, hay phải nhìn tận mắt cũng suy được việc người, việc đời, cũng biết được lẽ đúng, điều sai. Quán triệt được lẽ đời, tâm sẽ bớt vướng bận, thong dong cùng năm tháng. Ở vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, nhất là đối với những người còn chút ảnh hưởng Nho học như thế hệ Bố tôi, thì hình như sẽ cảm thấy không còn muốn nghĩ đến chuyện xuất hộ để tri thiên hạ nữa, mà dẫu nếu có xuất hộ, thì cũng không hẳn là cần thiết để muốn tri thiên hạ nữa rồi.

Không biết được ông dạy cho từ khi nào, mà khi thằng cháu nội bắt đầu biết nói sõi, cũng là khi chàng đã thuộc nằm lòng câu nói đó, cũng biết chỉ trỏ vào những chữ Hán kia, dõng dạc đọc to: “Bất - Xuất – Hộ - Tri - Thiên - Hạ”, ra vẻ đắc chí lắm, làm cả nhà cười vang.

Thời gian bình lặng trôi nhanh...
Tiếng gọi “BÀÀÀààà...” qua hàng dậu của thằng cháu nội ngày nào, đã thưa dần theo năm tháng. Tôi cũng ít có dịp ghé sang thăm Bố Mẹ tôi đều đặn như ngày trước. Bộ ấm trà dùng lâu ngày, vẫn nguyên màu nâu cũ, nay đã lên nước bóng, như được phết thêm lên đó chất liệu thời gian bằng tuổi già chồng chất của Bố Mẹ tôi. Tôi vẫn thích thú những lúc được nhắp từng ngụm trà thơm, hay thưởng thức vị ngọt đặc biệt của trà còn lưu lại trong cổ sau mỗi chén trà ấy, nhưng dường như có một điều gì đó khiến tôi linh cảm, cho đến một lần kia trong lúc hàn huyên, Bố tôi ôn tồn dặn dò:

“Bố thấy đời sống các con bên này sao mà bận rộn quá! Bận rộn không còn thấy những khoảng khắc thanh cao thư giãn cần thiết cho tinh thần. Nhưng rồi mai sau này..., các con cũng nên cố gắng phải sửa soạn và tìm cho mình một lối về...”

Tôi hiểu nỗi băn khoan nơi Bố Mẹ tôi, khi tuổi già sức yếu, cùng nỗi cô đơn và những kỳ vọng cuối đời trông mong muốn gửi gấm đến con cái. Đằng sau cánh cửa kia, là cả một nếp sống cổ kính của gia đình. Tôi cũng có những niềm riêng, khắc khoải âm ỉ trong lòng, làm sao mưu sinh để có thể vươn lên và hội nhập trong cái xã hội này, mà không bị đánh mất chính mình, để mỗi khi quay trở về với gia đình, vẫn còn được nhìn thấy như một người con hiếu thảo, vẫn mãi là con của Bố Mẹ...

Cũng hơn hai mươi năm qua, kể từ lần dặn dò ấy, thằng cháu nội của ông bà nay đã trưởng thành. Cánh chim đã khôn lớn, đủ sức tung cánh bay lượn khắp bốn phương trời. Thấp thoáng nhìn lại, tôi cũng sắp sửa bước vào khoảng không gian và tuổi tác của Bố Mẹ tôi, khi các người mới sang đến Mỹ ngày trước. Câu chuyện “Rừng Mắm” mỗi khi nhớ lại, vẫn không khỏi để lại trong tim tôi những phút se lòng. Ai ngờ những cây mắm cũng dám vượt đại dương, tìm đến đây để tái sinh trên một mảnh đất hoàn toàn khác lạ từ phong thổ đến văn hóa và đã dốc hết tâm sức để cố bám rễ, đâm chồi...

Cuộc sống chung quanh đây với nắng sớm vẫn lên và gió chiều êm ả vẫn thổi về. Bốn mùa vẫn đều đặn đổi thay như cuộc sống bình thản qua lại mỗi ngày. Tôi vẫn khép mở đôi cánh cửa, ngày ngày hai buổi bước ra ngoài giao tiếp với cuộc đời. Thỉnh thoảng thằng cháu nội ở xa về, là lúc những nén hương được thắp vội trên mộ phần Bố Mẹ tôi. Hai cha con khi ấy lại có dịp ghé qua nghĩa trang thăm viếng mộ ông bà. Chiêm nghiệm lại, có những biến cố đã xẩy đến làm thay đổi cả cuộc đời mình, tôi đôi lúc cũng bắt đầu thấy được cái lý vô thường, song hình như đâu đấy chỉ được một thời gian, rồi với cuộc sống bận rộn , những điều chợt ngộ cũng vẫn mau quên!

Giờ đây nắng đã lên cao ngoài hiên. Tôi đang ngồi trong phòng yên tĩnh một mình, mắt chăm chú nhìn vào màn hình mở rộng. Một ô cửa vừa được mở ra, một ô cửa nữa vừa đóng lại, và rồi cứ thế... nghìn ô cửa nối tiếp nhau mở ra, đóng lại, theo sau từng mỗi cái nhấp khẽ, di động của bàn tay. Tôi lướt đi từ một thế giới này, rồi bước sang một thế giới khác, từ Đông sang Tây chỉ trong nháy mắt. Những thư từ và hình ảnh bạn bè, rồi tin tức từ quê hương... thi nhau nối kết tâm tư tôi với thế giới bên ngoài.



Bất giác tôi nhớ Bố Mẹ tôi và khung cảnh ấm cúng gia đình ngày trước. Tôi nhớ đến cả những ấm trà trong sương sớm. Cánh cửa yêu thương mà Mẹ tôi vẫn rộng mở, mỗi khi đón thằng cháu nội sang chơi, đã vĩnh viễn khép lại. Tôi nhớ đến câu Bất Xuất Hộ, Tri Thiên Hạ treo trên vách ngày nào. Có một chút gì thân quen mà nghe chừng hư ảo, một triết lý nhân sinh tưởng như xa xôi mà cũng vô cùng gần gũi, đã mãi ăn sâu vào trí óc.

Rồi mùa thu sẽ đến với mỗi cuộc đời. Lúc đó lá trên cây cũng sẽ tàn phai và rơi theo về cội. Bạn bè thân quen, có ai khi ấy còn ghé thăm nơi Hàng Gió, chắc sẽ chẳng ngạc nhiên nếu khi nhìn thấy câu Bất Xuất Hộ, Tri Thiên Hạ lại được chủ nhân cẩn thận treo lên cao giữa phòng, rồi ngày ngày nhìn lên vách trầm ngâm, ra chiều đang diện bích...

PHÙNG QUÂN
Hàng Gió
Mùa Vu-Lan 2013 





No comments:

Post a Comment